Linh Chi & Khang Nam Kể

linh-chi-khang-nam-front-hand

Khởi Đầu

Vào giai đoạn 2002, để tranh thủ làm thêm ở nhà, mẹ tôi đã hì hục làm một cái kho bằng gỗ tạp, đóng mấy cái kệ gỗ và tỉ mẫn trồng nấm linh chi. Đó là kết quả sau một khoá học ngắn từ đợt vận động trồng nấm của các cán bộ nông nghiệp theo chương trình khuyến nông đưa ra của nhà nước. Tôi đã tiếp xúc với linh chi từ đó, cho vui, cho biết. Rồi cũng len lỏi vào vài nơi trồng nấm trong thành phố lớn để học lõm cách họ làm, phụ vặt mẹ mỗi khi về nhà… rồi quên, vì còn mãi mài đũng quần, trầy trật với mấy kỳ thi trên giảng đường.

Ba năm sau, người ta ngưng bán phôi, mẹ tôi thôi trồng nấm. Tất nhiên, linh chi với tôi lúc đó cũng mau phai như mấy cái đề thi cuối khoá vậy, thi xong quên khuấy, nhẹ lâng!

Ra trường, như nhiều bạn bè cùng trang lứa khác, cũng tìm kiếm, học hỏi, nếm trải ùm bà lằng các loại công việc khác nhau để chọn cho mình một con đường, nhiệt huyết rất nhiều nhưng rồi chẳng có gì thoả mãn, mọi thứ cứ mơ hồ, mơ hồ…

Hồi đó, khi vô tình đọc được câu “Người xưa đâu có quá lời khi xếp Nấm Linh Chi vào nhóm thượng dược cải lão hoàn đồng”, tôi đã cảm thấy rất buồn cười. Có lẽ vì hơi giống các cốt truyện cổ trang, thần thoại đầy mê hoặc, nơi được gửi gắm những ước mơ phi thực của nhân loại về khả năng trường sinh bất tử, cải lão hoàn đồng. Tuổi trẻ, sức khoẻ còn phung phí vô tội vạ, ai mà tăm hơi đâu để bận tâm về cái gọi là cải lão hoàn đồng ấy chứ!

Dòng đời đưa đẩy, sau nhiều năm, một lần nữa, hình ảnh những cây nấm linh chi ngày xưa được tưới đẫm bằng những giọt mồ hôi của mẹ lại xuất hiện đầu tiên trong tâm trí tôi. Rõ ràng và nặng trĩu!

Thời gian có chờ đợi ai, cụm từ cải lão hoàn đồng bỗng đâu trở thành cấp thiết.

Rút cuộc thì người chọn nghề hay nghề chọn người tôi cũng không rõ, một sự ám ảnh, thôi thúc về linh chi là tất cả những gì tôi có thể diễn tả cho điểm khởi đầu tiếp theo khi đó.

Năm 2011, tôi chính thức dấn thân vào nghề nấm, đến giờ.

Người ta hay dùng thuật ngữ khởi nghiệp để bắt đầu cho một sự nghiệp, nghe có vẻ hoành tráng quá, nó không hợp với tôi lắm. Bao nhiêu năm gắn bó với linh chi, tính từ cái ngày anh hai trầy chân xước tay giúp tôi lên rừng chặt tre lồ ô để về làm lán trại thô sơ ban đầu, ngoài sự mưu sinh vất vả thì chẳng có gì để gọi là sự nghiệp cả. Chỉ có điều, năm qua tháng lại, tôi cũng không thể từ bỏ linh chi, khách hàng bao năm vẫn còn nhiều người cần linh chi, họ cũng chẳng thèm bỏ tôi. Bạn hãy thử hình dung xem, khi mà trách nhiệm, cuộc sống, đam mê, thuận lợi, khó khăn… cuốn lấy tâm khảm bạn xung quanh một công việc gì đó và bạn không thể thoát ra thì bạn gọi đó là gì? Với tôi, có lẽ nên gọi là nghiệp.

Và Linh Chi Khang Nam đến hôm nay vẫn như vậy đó, nhỏ thôi, mãi khởi đầu cho một cái nghiệp – con đường linh chi!

Công Dụng

Quay lại với cái gọi là cải lão hoàn đồng, linh chi có công dụng đó không? – Không.

Vậy người xưa có quá lời không? – Cũng không.

Sau nhiều năm, ngoài hàng loạt sách vở, tài liệu nghiên cứu khoa học, kết hợp với trải nghiệm của bản thân và thông tin phản hồi từ nhiều người dùng lâu năm, tôi biết linh chi có rất nhiều công dụng, nhưng tôi có thể tạm kết luận ba điểm căn bản chính của linh chi đối với sức khoẻ như sau: Hỗ trợ thải độc cơ thể, dịu thần kinh, cân bằng hệ miễn dịch.

Ba yếu tố chính này bạn có thể cảm nhận được trực tiếp từ cơ thể bạn trong quá trình sử dụng linh chi thường xuyên. Và khi cơ thể ít bị tồn nhiễm các hoá chất độc hại, tinh thần bớt căng thẳng, sức đề kháng ít suy giảm thì đương nhiên quá trình lão hoá sẽ dần dần đi vào tiến trình tự nhiên tuỳ theo cơ địa mỗi người chứ không phải bị suy thoái nhanh do tác động tiêu cực từ môi trường sống ngày càng ô nhiễm và thực phẩm không lành mạnh xung quanh.

Nên có thể nói, dùng linh chi hàng ngày sẽ hỗ trợ bạn không phải là trẻ lại – mà là bớt già sớm – trả lại cho bạn cái sức trẻ vốn là của bạn, người xưa cũng không ngoa nhỉ!

Và không chỉ riêng linh chi, rất nhiều loại thực phẩm rau củ quả… từ tự nhiên đều có những công dụng này, chỉ khác biệt là hàm lượng nhiều hay ít trong mỗi sản phẩm thôi. Bạn chỉ cần tìm hiểu kỹ thông qua các nguồn tài liệu uy tín, các học giả uy tín và kiểm soát kỹ quá trình ăn uống hàng ngày của chính bạn và gia đình sẽ rút ra được kinh nghiệm về ưu điểm cũng như nhược điểm của từng loại thực phẩm, nhằm giúp bạn có kiến thức tốt hơn trong quá trình chăm sóc sức khoẻ của bản thân để có một cuộc sống lành mạnh hơn.

À mà đừng quên, dù bạn có dùng các loại thượng dược cả đời mà không kết hợp rèn luyện thể dục thể thao đều đặn thì cũng khá công cốc đấy!

Sản Phẩm

Chúng tôi chỉ đưa ra thị trường đúng một dòng nấm mà chúng tôi gọi là Linh Chi Khang Nam.

Đó là kết quả của một quá trình dài tìm tòi, học hỏi, nuôi trồng, kinh doanh quy mô nhỏ… lâu nay trên Ban Mê, mảnh đất đại ngàn đầy nắng gió mà cũng đầy rét buốt mưa sa. Lúc đầu, nghe người ta nói linh chi Nhật Bản là tốt nhất, tôi trồng thử trên quê hương, mơ mộng lớn, tôi còn đặt cho nó một cái tên riêng với giật cái tít hơi kiêu kiêu nữa cơ: Highlands LingZhi – Tây Nguyên đại ngàn, nơi ươm mầm nấm linh chi thượng hạng! Thích văn hoá cồng chiêng, tôi còn cày cuốc nên một website để quảng bá hình ảnh con người, văn hoá, du lịch, ẩm thực của 05 tỉnh Tây Nguyên, cố biến linh chi thành một đặc sản miền núi. Đáng tiếc, giờ chỉ còn là một kỷ niệm buồn. Riêng linh chi, tôi vẫn thử nghiệm một số loại nấm khác để so sánh, vẫn tiếp tục tìm kiếm giống lạ. Bạn bè thì không đoái hoài gì đến cái tên tây tây đó, cứ gọi là Linh Chi Khang Nam chung chung cho tiện, lâu dần thành quen, tôi cũng đổi theo, không ngờ cái tên đó lại dẫn dắt tôi dan díu nhiều hơn nữa với mấy nàng linh chi đỏng đảnh này!

Hiện tại, với mục đích nhân rộng hơn chút nữa trong tương lai, Khang Nam cố gắng kết hợp với một vài người tâm huyết cùng theo đuổi dòng nấm mà nhiều năm đã được chọn lựa rất kỹ, để phân biệt với nhiều thương hiệu lẫn dòng nấm linh chi hiện có trên thị trường, theo một tiêu chuẩn nuôi trồng riêng phù hợp khả năng hiện thời.

Trái ngược với niềm tin của nhiều người dùng, tin tốt là linh chi có thể trồng được ở bất cứ nơi đâu ở Việt Nam mà chất lượng không thua kém bất kỳ sản phẩm linh chi nào trên thế giới, đặc biệt, bất cứ loại linh chi nào trên thế giới cũng đều có thể trồng được ở Việt Nam.

Một số nhà chuyên môn nông nghiệp có thể không đồng tình với tôi về điều này, nhưng nhiều năm thử nghiệm ở góc độ cá nhân, tôi có thể nói: Về tính chất phân loại sinh học thì linh chi không phải là thực vật, với đặc tính đó, thực nghiệm cho thấy linh chi không bị phụ thuộc nhiều vào các yếu tố như thời tiết, khí hậu, môi trường, thổ nhưỡng, địa lý… nên linh chi có thể phát triển được ở bất cứ nơi đâu, miễn hội tụ đủ các yếu tố riêng dành cho giới Nấm, là một trong 5 giới phân loại sinh học hiện tại (Animalia – Động vật; Plantae – Thực vật; Fungi – Nấm; Protista – Nguyên sinh; Monera – Khởi sinh).

Xuất xứ sản phẩm Linh Chi Khang Nam được ghi là nấm Việt Nam theo ý nghĩa là loại nấm tự mọc được trong các khu rừng tự nhiên ở Việt Nam, được nhân giống và nuôi trồng tại Việt Nam, cơ chất nuôi trồng linh chi được sử dụng là mùn cưa từ gỗ cây cao su trồng ở Việt Nam, nên Linh Chi Khang Nam là một sản phẩm nông nghiệp hoàn toàn thuần Việt.

Nấm linh chi có rất nhiều dòng khác nhau, dòng nào cũng đều có giá trị cao đối với con người, mỗi loại linh chi có những điểm nổi trội riêng nhưng ba công dụng căn bản nêu trên là tính chất chung của tất cả các dòng linh chi, cho dù chẳng mấy ai có thể biết chính xác có bao nhiêu loại linh chi trên thế giới. Chưa hề có chứng minh khoa học nào để so sánh dòng nào tốt hơn dòng nào theo tiêu chuẩn nào, vì lịch sử về linh chi trong tự nhiên thì từ nhiều nghìn năm trước đã nổi tiếng rồi, nhưng lịch sử nấm trồng trong khoa học hiện đại thì còn rất mới mẻ, mới mẻ đến nỗi, ngay cả cái tên mỗi dòng linh chi còn chưa có sự thống nhất chung, kể cả định danh tên khoa học. Hi vọng trong tương lai không xa, linh chi sẽ được phổ cập và chuẩn hoá hơn.

Nhưng dù sao, cái tên cũng chỉ là cái tên, cái chính là lợi ích mà linh chi đem đến cho con người. Tin tôi đi, linh chi giá trị nhiều hơn bạn tưởng lắm đấy, đừng bỏ qua nhé!

Linh Chi Khang Nam căn bản thuộc dòng nấm năng suất thấp, nên cũng không phổ biến cho lắm; nhưng Khang Nam ưu tiên lựa chọn vì loại linh chi này ngoài chuyện chất lượng theo kiểu vừa quý lẫn vừa hiếm, còn có những đặc trưng khác biệt về mặt cảm quan như sau:

    • Tai nấm kiểu nhỏ
    • Vị linh chi đắng đậm
    • Bào tử nhiều, đắng nhạt
    • Màu nâu đỏ mặt trên
    • Màu vàng chanh mặt dưới
    • Đặc biệt có mùi thơm nhẹ

Khuyên dùng: Một người dùng trung bình 03 tai linh chi một tuần, vì gần 80 cây nấm sấy khô mới được 01kg nên khoảng 06 tháng mới sử dụng hết 01kg Linh Chi Khang Nam nếu nấu nước uống thường xuyên.

Tất nhiên bạn vẫn có thể sử dụng nhiều hơn so với mức định lượng trung bình này nếu cần thiết, không ảnh hưởng gì cả, ngoại trừ trường hợp bạn bị chứng huyết áp thấp hoặc cơ thể quá mẫn cảm với các thành phần của linh chi thì cần có chỉ định của bác sĩ. Xin lưu ý, linh chi là thực phẩm nông nghiệp, hãy sử dụng như một loại trà dưỡng sinh, chứ không phải thuốc.

Khi không may bị bệnh, bạn hãy tìm đến bác sĩ, họ sẽ giúp bạn với chuyên môn của họ. Khi chủ động phòng bệnh, bạn hãy tìm đến chính bạn, trân quý cơ thể bạn, trân quý những tín hiệu báo động mà cơ thể phát ra, sống lành mạnh chỉ có thể là chuyên môn của chính bạn.

Để bảo vệ sức khoẻ, mỗi gia đình nên trang bị cho mình ba cái tủ: Tủ thuốc, tủ sách và… tủ lạnh!

Bác sĩ sẽ tư vấn cho bạn tủ thuốc thiết yếu, tác giả chuyên y sẽ tư vấn cho bạn tủ sách sức khoẻ, chuyên gia dinh dưỡng sẽ giúp làm đầy tủ lạnh nhà bạn với các thực phẩm lành mạnh. Hi vọng tất cả chúng ta sẽ không sử dụng nhiều đến tủ thuốc, tủ sách được dùng thường xuyên và đừng quên chừa một chỗ trong tủ lạnh để bảo quản linh chi nhé!

Vui thôi, một lần nữa, trước khi nghĩ đến mấy cái tủ, bạn hãy tậu ngay cho mình một đôi giày thể thao. Đừng giấu nó trong tủ… giày!

Blog Nhỏ

Đây là một trang Blog nhỏ mang tính chia sẻ và bán hàng online cá nhân, không phải một website đại diện cho một công ty hay tổ chức lớn.

Mục đích chính blog là làm cầu nối giao lưu với các bạn có cùng mối quan tâm, góp nhặt về chủ đề Thân an – Tâm an nói chung, cộng đồng yêu nấm nói riêng. Đồng thời cũng là nơi liên hệ trực tuyến nhằm cung cấp các thông tin, dịch vụ, giá trị gia tăng dành cho khách hàng hiện tại cũng như phát triển khách hàng mới của Linh Chi Khang Nam.

Trong cộng đồng những người yêu nấm, họ có một niềm tin chung bất diệt, rằng thế giới nấm đóng vai trò cơ bản trong việc chữa lành cho chính chúng ta cùng đất mẹ. Trời xui đất khiến thế nào khiến niềm tin đó cũng là nơi tôi thuộc về.


Nấm Trăng Hoa

“Trăng rọi hồ sen, bùn trở dạ
Nấm len cội mục, rác bón tâm
Trăng hoa thanh khiết, lời thai giáo
Nấm vẽ điêu tàn, lấn với xâm?”

(Linh Chi Khang Nam)


Rừng vẫn cháy, muôn loài đã khóc, thiên nhiên đang thoi thóp… Nghe có vẻ tiêu cực nhỉ? Nhưng không, là sự thật! Blog này chỉ mong mượn một que diêm để cùng bạn thắp lên một ngọn lửa nhỏ, hi vọng đủ để giữ lòng người bớt lạnh lẽo hơn trên cuộc tồn sinh tuy riêng rẽ nhưng không thể tách rời của cả cộng đồng, vì một một tương lai ấm áp chung, cho tất cả!

Thời 4.0 mà, tương tác trực tuyến đã là xu thế. Lướt vài dòng status, nhâm nhi ly cafe đá hoặc hít hà tách trà nóng, linh chi chẳng hạn, tiện tay nhón cái like, nhấp cái share gửi bạn bè, và thế là kết nối. Nếu quan tâm điều gì bạn có thể comment trực tiếp trên blog hoặc trên fanpage, gửi email hoặc đăng ký nhận email từ blog…, hứa là chúng ta sẽ không spam nhau đâu đấy. Blog thật sự rất mong nhận được nhiều đóng góp và sẻ chia từ phía các bạn!

Không biết thuật toán nào đã đưa bạn đến đây, rất cảm ơn bạn đã ghé thăm và kiên nhẫn đọc đến dòng này!

Chào mừng tất cả các bạn đến với Linh Chi Khang Nam!

Phạm Hoài Nam

Linh Chi Khang Nam - Thân An Tâm An

P/s: Hồi đó, cũng vô tình

...người xưa nói: