Theo bản báo cáo của Tổ chức Y tế thế giới thì Nhật Bản vẫn là đất nước có tuổi thọ trung bình cao nhất thế giới. Dưới đây là 6 yếu tố chủ yếu và quan trọng giúp họ khỏe mạnh.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã công bố báo cáo về “Thống kê Y tế Thế giới 2018” tại Geneva, trong số đó có “Bảng xếp hạng sống thọ” – chỉ số về tuổi thọ trung bình. Trong bảng xếp hạng tuổi thọ của các đất nước, Nhật Bản đứng đầu, đạt 84,2 năm, trong đó: Tuổi thọ của phụ nữ là 87,1 tuổi và của nam giới là 81,1 tuổi.
Câu hỏi đặt ra là, tại sao người Nhật có tuổi thọ cao nhất thế giới? Lối sống nào đáng để học hỏi? Chúng ta hãy cùng xem xét các yếu tố trường thọ của người Nhật Bản, từ đó có thể rút ra những kinh nghiệm áp dụng cho bản thân.
(1) Chế độ ăn uống thanh đạm và điều độ
Những người đã từng đến Nhật Bản sẽ trải nghiệm và cảm nhận rõ chế độ ăn nhẹ nhàng thanh đạm ở Nhật Bản.
Các thực phẩm tự nhiên như cá, đậu nành, rau, vừng và trà xanh trong chế độ ăn uống của người Nhật đều là những thực phẩm ít béo. Món ăn ít muối và có hàm lượng protein cao. Cấu trúc chế độ ăn uống này khiến mọi người ít bị đột quỵ hơn.
Ngoài ra, người Nhật cũng thích kim chi, nhưng kim chi Nhật Bản được chế biến khác biệt hơn so với kiểu của Hàn Quốc và một số nước khác, đó là kim chi có ít muối, thời gian lên men ngắn, vị nhẹ và có thể thúc đẩy quá trình tiêu hóa.
Ngoài ra, chế độ ăn uống của người Nhật rất “khiêm tốn” với sô lượng ít bởi họ rất chú trọng đến việc kiểm soát lượng thức ăn trong mỗi bữa ăn, và họ hiếm khi ăn quá nhiều.
(2) Ăn ít thịt đỏ, ưu tiên thay thế bằng hải sản và đậu
Các nghiên cứu cho thấy ăn quá nhiều thịt đỏ là một trong những yếu tố nguy cơ cao gây ung thư như ung thư ruột kết và các loại ung thư khác.
Người Nhật ăn ít thịt đỏ và ăn nhiều hải sản và đậu. Là một đất nước bao quanh là biển với ngành ngư nghiệp phát triển nên Nhật Bản rất giàu hải sản. Cá là một thực phẩm thiết yếu cho mỗi người Nhật.
Vì cá rất giàu axit béo không bão hòa, nó có thể ngăn ngừa triệu chứng hình thành cục máu đông, có lợi cho việc ngăn ngừa đột quỵ, nhồi máu cơ tim và lão hóa não.
Người Nhật cũng thích ăn các loại rong biển, tảo bẹ và các loại hải sản khác. Những thói quen ăn uống này dẫn đến ít đột quỵ hơn và tuổi thọ cao hơn ở Nhật Bản.
Ngoài ra, người Nhật có truyền thống ăn đậu nành, hầu như tất cả những người Nhật ăn ít cá và sống lâu thì họ đích thị là những người thích ăn đậu nành.
(3) Thích nhai chậm và ăn chậm, chia nhỏ các bữa ăn, ăn riêng từng suất
Nhiều người Nhật thường có thói quen ăn chậm. Ngay từ khi còn nhỏ họ đã học được rằng trong khi ăn cần phải nhai và nuốt chậm mới có lợi cho cơ thể và có thể giúp kéo dài cuộc sống.
Khi chúng ta ăn chậm và nhai đủ kỹ, gánh nặng tiêu hóa lên dạ dày sẽ giảm đi, trong khi thức ăn có thể bị nghiền nát hoàn toàn, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho đường ruột hoạt động hiệu quả, từ đó chất dinh dưỡng có thể được hấp thụ hoàn toàn.
Đồng thời, người Nhật rất coi trọng vệ sinh trong chế độ ăn uống. Họ duy trì việc chia thức ăn ra thành phần nhỏ trước khi ăn để không chung đũa chung bát. Ví dụ, họ sẽ lấy thức ăn ra một cái bát rồi họ mới ăn, không sử dụng đũa của mình gắp vào phần thức ăn chung của cả gia đình.
Đây là cách phòng ngừa lây nhiễm bệnh hoặc vi rút, vi khuẩn từ người này sang người khác, cũng có thể ngăn ngừa vi khuẩn HP, điều này có thể làm giảm đáng kể tỷ lệ mắc ung thư dạ dày.
(4) Chú ý chăm sóc bản thân
Bộ y tế Nhật Bản thường ban hành và phân phát một số lượng lớn sách hướng dẫn và tờ rơi để quảng bá về giáo dục sức khỏe và kiến thức chăm sóc sức khỏe cho người dân và huy động toàn bộ người dân thực hiện việc tự chăm sóc bản thân theo các hướng dẫn khoa học đó.
Người Nhật không bao giờ dùng thuốc tùy tiện trừ khi thực sự cần thiết. Họ chú ý đến sức khỏe thể chất và tập thể dục hàng ngày để tăng cường khả năng kháng bệnh. Khi mắc các bệnh thông thường, nó cũng dựa vào khả năng tự phục hồi của chính mình, hãn hữu lắm mới phải sử dụng cách chữa bệnh bằng thuốc.
(5) Thích thể thao và đi bộ
Người Nhật coi tập thể dục là một phương tiện quan trọng để “làm cho dân giàu cho nước mạnh” hay “phú dân cường quốc”. Tại Nhật Bản, mỗi sáng hoặc tối, hàng chục nghìn người chạy đến các sân thể thao và nơi hoang dã để tham gia các môn thể thao như chạy bộ, tennis, bóng chày, cầu lông và bóng đá.
Ông già và bà già cũng thành lập thành các đội/nhóm để chơi. Người Nhật đặc biệt thích đi bộ trên đường phố. Họ ủng hộ “phương pháp tập thể dục đi bộ” và ủng hộ việc đi bộ 10.000 bước mỗi ngày để tăng cơ hội rèn luyện thể chất. Chỉ có những người vội vã, cần đi làm cho kịp thời gian thì họ mới đi tàu điện ngầm hoặc xe buýt, lái xe đi làm.
(6) Chú ý vệ sinh môi trường
Nhật Bản là một quốc đảo, và hầu hết người Nhật sống ở ven biển với không khí trong lành. Họ có chính sách “phủ xanh” ở hầu hết nơi nào có thể trồng được cây. Có những thảm thực vật gần như tươi tốt quanh năm và không khí trong lành.
Việc chú ý đến môi trường sống trong lành cộng với khí hậu ôn hòa của Nhật Bản, mùa đông ấm áp và mùa hè mát mẻ, cùng với ô nhiễm môi trường ít hơn, tất cả đều góp phần vào sức khỏe và tuổi thọ của người dân Nhật Bản.
Không những thế, ở Nhật Bản, rất khó tìm thấy những góc vệ sinh bẩn và luộm thuộm. Nhiều người Nhật đã quen tắm rửa và thay quần áo mỗi ngày. Sau khi kết hôn, phụ nữ chủ yếu làm việc nhà và nhà cửa của họ thì luôn luôn sạch sẽ, ngăn nắp.
Có thể thấy rằng trong số các yếu tố của tuổi thọ Nhật Bản, ba yếu tố hàng đầu liên quan đến chế độ ăn uống và ba bữa một ngày.
Tất nhiên, với sự ảnh hưởng của văn hóa phương Tây, chế độ ăn thanh đạm và chậm rãi của Nhật Bản đã thay đổi phần nào.
Nhưng nói chung, những phương pháp kéo dài tuổi thọ của người Nhật vẫn đáng để chúng ta học hỏi và có ý nghĩa phòng ngừa và điều trị tích cực.
Nếu duy trì được những thói quen đặc biệt này có thể phòng ngừa các bệnh mãn tính khác nhau và các bệnh tim mạch và mạch máu não.
*Theo Health/TT (Vân Hồng – Trí Thức Trẻ)