Trong khi người phương Tây nhấn mạnh vào ăn uống và tập luyện, người Nhật tin “cuộc đời đáng sống” là bí quyết giúp họ có tuổi thọ cao nhất thế giới.
Ghi nhận những tác động của “ikigai”, tức là “mục đích sống” hoặc “cuộc đời đáng sống”, lên tuổi thọ, Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản đã đưa khái niệm này vào chiến lược nâng cao sức khỏe quốc gia.
Trong một nghiên cứu dịch tễ học được thực hiện trên 43.000 người Nhật Bản, người không có mục đích sống có nguy cơ tử vong vì bệnh tim mạch cao hơn 60%. Đây là con số rất lớn, trong khi ăn nhiều trái cây và rau quả mỗi ngày có thể làm giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch còn chỉ 27%.
Nhiều người Nhật cao tuổi cho biết mục đích để họ thức dậy mỗi ngày là “chăm sóc các cháu”, “hoạt động tình nguyện” hay “giữ gìn đường phố sạch đẹp”.
Theo Naoki Kondo, nhà xã hội học sức khỏe tại Đại học Tokyo, một trong những yếu tố quan trọng để có mục đích sống là có một công việc được trả lương. “Tôi muốn được làm việc cho tới những giờ phút cuối cùng của đời mình,” ông nói.
Các nhà nghiên cứu phương Tây cũng chỉ ra mục đích và ý nghĩa trong cuộc sống có thể tác động đáng kể đến thể chất của mỗi người.
Một nghiên cứu cho thấy, mức độ hormone căng thẳng cortisol trong cơ thể những người tin vào mục đích cuộc sống thấp hơn những người không có niềm tin. Nếu một người 90 tuổi mắc bệnh Alzheimer có mục đích sống rõ ràng, cơ thể người đó có thể hoạt động tương đối tốt, bất chấp bệnh lý ở não.
Một phân tích khác dựa vào 10 nghiên cứu trên hơn 136.000 người đã phát hiện sống có mục đích giảm nguy cơ tử vong khoảng 17% – tương đương với ảnh hưởng của chế độ ăn Địa Trung Hải, vốn nổi tiếng là tốt cho sức khỏe.
“Trong 10 đến 15 năm qua, có sự bùng nổ của những nghiên cứu về mối liên hệ giữa hạnh phúc ở nhiều hình thức với những chỉ số về sức khỏe. Khi mới bắt đầu, chúng tôi không ngờ lẽ sống lại là yếu tố dự báo quan trọng về tình trạng sức khỏe”, Carol Ryff, nhà tâm lý học tại Đại học Wisconsin-Madison, giám đốc của nghiên cứu quốc gia về người Mỹ MIDUS (Midlife in the United States), cho biết.
Bác sĩ tâm thần người Áo, Viktor Frankl, là người sống sót sau cuộc diệt chủng của Đức Quốc xã, từng đưa ra giả thuyết rằng lẽ sống mang lại cho con người ý chí để tồn tại. Nghiên cứu đang khai thác ý tưởng đó. Những người có mục đích sống có thể năng động hơn, hay đi kiểm tra sức khoẻ hơn. Hoặc, những người có mục đích sống cao đẹp hơn dành thời gian trong viện ít hơn, có tỷ lệ mắc bệnh tiểu đường và nguy cơ tử vong do bệnh tim thấp hơn những người khác hai lần.
Lẽ sống còn ảnh hưởng đến phản ứng của chúng ta trước căng thẳng. Trong các thí nghiệm, khi các tình nguyện viên lo lắng về việc phải phát biểu trước đám đông, các dấu hiệu căng thẳng như hormone cortisol, có xu hướng tăng đột biến. Eric Kim, nhà tâm lý học tại Đại học British Columbia, cho biết những người nhận thức cao hơn về mục đích sống có khả năng “trấn tĩnh nhanh chóng hơn”.
Các tác động của mục đích sống đối với căng thẳng còn được ghi nhận trong nghiên cứu áp dụng quét MRI. Trong đó, đối tượng nghiên cứu được xem những hình ảnh tiêu cực như tai nạn máy bay, ôtô cháy. Kết quả là hạch hạnh nhân – nơi xử lý cảm xúc sợ hãi ở não bộ – của những người có nhiều mục đích sống không bị kích động nhiều như ở những người ít có lẽ sống hơn.
Thật không may, để tìm được một “ikigai” cho bản thân là điều không dễ dàng. Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh, 4 trong số 10 người Mỹ vẫn chưa tìm được nó.
Thách thức chính là tìm ra điểm xuất phát. Trong khi Aristotle vào thời Hy Lạp cổ đại hướng đến việc nuôi dưỡng tâm hồn từ những nghĩa cử cao đẹp, các nhà tâm lý học thế kỷ 21 lại nhắm đến việc đề ra phương hướng và mục tiêu trong cuộc sống.
Bên cạnh đó, chúng ta hoàn toàn có thể cảm thấy cuộc sống có ý nghĩa hơn qua những công việc hết sức đơn giản như hoạt động tình nguyện. Eric Kim cho biết: “Mọi người trở nên nhân ái hơn và nhìn cuộc sống qua lăng kính mới khi họ làm tình nguyện viên. Điều đó thực sự có thể giúp tâm hồn ấm áp hơn”.
Kim cho rằng tham gia các câu lạc bộ, nơi có những người chia sẻ cùng giá trị cũng có thể giúp bạn tìm thấy ý nghĩa. Tuy nhiên, những biện pháp như vậy vẫn chưa được thử nghiệm trong nghiên cứu.
Mặc dù tham gia hoạt động tình nguyện hoặc một câu lạc bộ có thể khó khăn trong bối cảnh đại dịch, nhưng lịch sử đã chỉ ra rằng trong thời khắc đen tối, ánh sáng vẫn ở đó mang theo cơ hội để người ta nhận ra mục đích của cuộc đời.
Theo một báo cáo phân tích các tài liệu lịch sử, kể từ khi Thế chiến thế giới thứ hai kết thúc, người Pháp đã không còn hạnh phúc như trong lúc chiến tranh. Tương tự, vào những năm 1980, người Anh dường như ít hạnh phúc hơn so với những năm 1940.
Một số dấu hiệu cho thấy người Mỹ và người châu Âu có nhiều mục đích sống hơn trong đại dịch so với trước đó. Các khoản quyên góp từ thiện đang tăng lên ở cả Mỹ và Anh. Theo nghiên cứu được thực hiện bởi IPSOS, gần một nửa số người Mỹ được hỏi đã bắt đầu để tâm tới những người hàng xóm cao tuổi hoặc ốm yếu khi đại dịch bắt đầu, trong khi 20% lựa chọn giúp đỡ người khác dù có khả năng bị nhiễm virus.
Trong cuộc khảo sát của Ireland, 57% những người được hỏi cho biết họ đang nhìn nhận lại cuộc sống. Trong đợt phong tỏa vào mùa xuân ở Pháp, nguời dân đã vỗ tay để cổ vũ cho các bác sĩ và y tá trong 52 ngày liên tục không quản nắng mưa. Điều đó kết nối mọi người với nhau, giúp họ nhận thấy lý do để tiếp tục sống. Dù không thể cứu các bệnh nhân, nhưng ít nhất họ có thể hỗ trợ những nhân viên y tế.
Nếu chúng ta tiếp tục nuôi dưỡng những điều như vậy, tìm thấy mục đích và ý nghĩa trong hiện thực u ám này, ta có thể không chỉ hạnh phúc hơn mà còn khỏe mạnh hơn, sống lâu hơn và có lẽ cũng kiên cường hơn.
- Mai Dung – Vnexpress (Theo Washington Post)