Vào giai đoạn 2002, để tranh thủ làm thêm ở nhà, mẹ tôi đã hì hục làm một cái kho bằng gỗ tạp, đóng mấy cái kệ gỗ và tỉ mẫn trồng nấm linh chi. Đó là kết quả sau một khoá học ngắn từ đợt vận động trồng nấm của các cán bộ nông nghiệp theo chương trình khuyến nông đưa ra của nhà nước. Tôi đã tiếp xúc với linh chi từ đó, cho vui, cho biết. Rồi cũng len lỏi vào vài nơi trồng nấm trong thành phố lớn để học lõm cách họ làm, phụ vặt mẹ mỗi khi về nhà… rồi quên, vì còn mãi mài đũng quần, trầy trật với mấy kỳ thi trên giảng đường.
Ba năm sau, người ta ngưng bán phôi, mẹ tôi thôi trồng nấm. Tất nhiên, linh chi với tôi lúc đó cũng mau phai như mấy cái đề thi cuối khoá vậy, thi xong quên khuấy, nhẹ lâng!
Ra trường, như nhiều bạn bè cùng trang lứa khác, cũng tìm kiếm, học hỏi, nếm trải ùm bà lằng các loại công việc khác nhau để chọn cho mình một con đường, nhiệt huyết rất nhiều nhưng rồi chẳng có gì thoả mãn, mọi thứ cứ mơ hồ, mơ hồ…
Hồi đó, khi vô tình đọc được câu “Người xưa đâu có quá lời khi xếp Nấm Linh Chi vào nhóm thượng dược cải lão hoàn đồng”, tôi đã cảm thấy rất buồn cười. Có lẽ vì hơi giống các cốt truyện cổ trang, thần thoại đầy mê hoặc, nơi được gửi gắm những ước mơ phi thực của nhân loại về khả năng trường sinh bất tử, cải lão hoàn đồng. Tuổi trẻ, sức khoẻ còn phung phí vô tội vạ, ai mà tăm hơi đâu để bận tâm về cái gọi là cải lão hoàn đồng ấy chứ!
Dòng đời đưa đẩy, sau nhiều năm, một lần nữa, hình ảnh những cây nấm linh chi ngày xưa được tưới đẫm bằng những giọt mồ hôi của mẹ lại xuất hiện đầu tiên trong tâm trí tôi. Rõ ràng và nặng trĩu!
Thời gian có chờ đợi ai, cụm từ cải lão hoàn đồng bỗng đâu trở thành cấp thiết.
Rút cuộc thì người chọn nghề hay nghề chọn người tôi cũng không rõ, một sự ám ảnh, thôi thúc về linh chi là tất cả những gì tôi có thể diễn tả cho điểm khởi đầu tiếp theo khi đó.
Năm 2011, tôi chính thức dấn thân vào nghề nấm, đến giờ.
Người ta hay dùng thuật ngữ khởi nghiệp để bắt đầu cho một sự nghiệp, nghe có vẻ hoành tráng quá, nó không hợp với tôi lắm. Bao nhiêu năm gắn bó với linh chi, tính từ cái ngày anh hai trầy chân xước tay giúp tôi lên rừng chặt tre lồ ô để về làm lán trại thô sơ ban đầu, ngoài sự mưu sinh vất vả thì chẳng có gì để gọi là sự nghiệp cả. Chỉ có điều, năm qua tháng lại, tôi cũng không thể từ bỏ linh chi, khách hàng bao năm vẫn còn nhiều người cần linh chi, họ cũng chẳng thèm bỏ tôi. Bạn hãy thử hình dung xem, khi mà trách nhiệm, cuộc sống, đam mê, thuận lợi, khó khăn… cuốn lấy tâm khảm bạn xung quanh một công việc gì đó và bạn không thể thoát ra thì bạn gọi đó là gì? Với tôi, có lẽ nên gọi là nghiệp.
Và Linh Chi Khang Nam đến hôm nay vẫn như vậy đó, nhỏ thôi, mãi khởi đầu cho một cái nghiệp – con đường linh chi!