Mất
“Khi người ta mất một thứ gì đó, thường người ta sẽ có cảm giác tiếc nuối, mất càng nhiều, càng đau khổ. Họ bị mất!
Tới một giai đoạn, họ không muốn bị mất, không muốn tiếc nuối, họ cố giữ lại. Trớ trêu, càng cố giữ, càng khổ. Càng bị mất.
Đến một ngày nào đó, họ có một cảm giác khát khao, như nhân loại từ cổ chí kim từng khao khát, khát khao thoát khổ.
Buông…! Đó là tiếng gọi đầu tiên ánh lên từ nỗi khát khao âm ỉ, day dứt. Mơ hồ như một trong những chọn lựa ban đầu. Tiếng gọi lớn dần, khát khao thai nghén.
Quăng bỏ, tất cả sau đó, bỗng trở thành sự lựa chọn duy nhất. Họ dũng cảm dấn thân tìm kiếm với một tâm thế không cần tiếc nuối. Mạnh mẽ bước chân trên con đường rền vang – con đường thoát khổ – được cộng hưởng bởi thanh âm cổ vũ từ những người mở lối đi trước.
Tiếc thay, càng tìm kiếm con đường giải thoát, họ càng khổ. Cất tiếng gọi, vọng tiếng gọi. Cất tiếng cười, cười gọi… vọng tiếng đau.
Éo le hơn cả éo le, có người còn bị mắc kẹt vào hình hài một thánh nhân. Họ bị mất rất vi tế, với tâm thế ngẩng cao đầu.
Rồi một ngày kia, một ngày mưa gió bão bùng, họ bị mất luôn thứ họ không muốn mất nhất – nỗi khát khao. Bóng đêm bủa vây, họ mù loà gục ngã…
Ồ, cuối màn bi kịch, hỉ kịch ló dạng, bình minh rọi tràn cửa sổ tâm hồn. Họ nhận ra đôi mắt họ chưa từng sáng cũng chưa từng mù, bởi tất cả chỉ giống như cơn mộng mị của kẻ từng ngủ say. Họ thức giấc.
Ngày đó, giờ đó, phút giây đó, không còn bị mất, họ được mất!
Bao nhiêu lần được mất, bấy nhiêu lần nhẹ tênh!”
– Phạm Hoài Nam