Now Reading
Ứng dụng triết lý “Gánh nước” trong công việc qua hai Câu chuyện trường tồn

Ứng dụng triết lý “Gánh nước” trong công việc qua hai Câu chuyện trường tồn

Câu chuyện Gánh nước thứ nhất:

“Nhất bất làm nhị bất hưu”

Có hai hòa thượng nọ sống trong hai ngôi chùa trên hai ngọn núi sát cạnh nhau, một người tên “Nhất Hưu” một người tên “Nhị Hưu”. Trên cả hai ngọn núi này đều không có nước, do vậy mỗi ngày hai hòa thượng này đều phải đi xuống khe suối nhỏ gánh nước về mới có nước để dùng.

Bởi thời gian đi gánh nước thường trùng nhau lại thường xuyên gặp mặt nên lâu dần hai hòa thượng trở thành bạn bè. Cứ như vậy thời gian đi gánh nước dần trôi thấm thoắt đã năm năm. Một ngày nọ Nhị Hưu lại đi ra suối gánh nước như mọi khi bỗng phát hiện Nhất Hưu không xuất hiện. Trong lòng Nhị Hưu thầm nghĩ chắc hòa thượng Nhất Hưu ngủ quên mất rồi.

Cứ thế trôi qua đến ngày thứ hai, thứ ba đều không thấy Nhị Hưu đi gánh nước. Tới cả một tuần rồi qua 1 tháng đều không thấy Nhất Hưu xuất hiện. Nhị Hưu rất lo lắng liền nghĩ: “Chắc bạn mình mắc bệnh rồi, mình phải đi hỏi thăm anh ấy một chút, xem có thể giúp gì được không”.

Khi Nhị Hưu lên núi tìm tới ngôi chùa của Nhất Hưu, thì phát hiện Nhất Hưu đang tập Thái cực quyền trước cổng chùa, nhìn không giống như ốm đau bệnh tật gì cả.

Anh ngạc nhiên hỏi Nhất Hưu hòa thượng: “Nhất Hưu đã một tháng rồi không thấy anh xuống núi lấy nước, sao anh không đi gánh nước mà vẫn có nước dùng?”

Nhất Hưu cười và đưa Nhị Hưu hòa thượng ra hoa viên sau chùa, chỉ vào giếng nước và nói: “Năm năm qua mỗi ngày gánh nước xong, tụng kinh xong, tôi đều dùng thời gian rảnh còn lại để đào cái giếng nước này.

Mặc dù có những lúc rất bận rộn không đào được nhiều, nhưng tôi luôn tự nhủ đào được bao nhiêu thì cứ cố gắng làm. Bây giờ giếng đã đào xong, mạch nước cũng đã được khai thông nên giếng đầy nước rồi, từ nay về sau tôi không phải đi xuống núi gánh nước nữa! Do vậy tôi có thể tiết kiệm được rất nhiều thời gian làm những việc mình thích, ví dụ như tập Thái cực quyền đây này!”.

Từ đó, Nhất Hưu không phải cực nhọc vất vả dành thời gian đi gánh nước, còn Nhị Hưu thì vẫn vậy hằng ngày đều phải xuống núi, không được nghỉ ngơi. Đây chính là nguồn gốc câu nói “nhất bất làm nhị bất hưu”, tức là, làm việc gì cũng làm cho đến nơi đến chốn đến cuối cùng.

***

Câu chuyện Gánh nước thứ hai:

“Lượng sức mà làm”

Có một lần, trong lúc mọi người đi vào núi sâu thì phát hiện một vị cao tăng đang gánh nước ở trong khe núi. Mọi người đều phát hiện ra rằng thùng nước mà cao tăng gánh không nhiều, nước rất vơi chứ không đầy.

Theo như suy nghĩ của họ, cao tăng vốn có thể gánh được thùng nước lớn hơn nữa và nước trong thùng phải thật đầy ắp. Nhưng tại sao ông ấy lại gánh một thùng nước không đầy như vậy chứ?

Họ không hiểu được lý do bèn hỏi: “Cao tăng, người có thể gánh nhiều nước hơn nhưng tại sao lại gánh ít như vậy? Xin hỏi đây là đạo lý gì vậy?”

“Đạo lý của việc gánh nước vốn không nằm ở việc gánh ít hay gánh nhiều, mà nằm ở chỗ gánh đủ dùng. Cứ một mực tham nhiều có khi còn phản tác dụng.” – Cao tăng đáp.

Mọi người vẫn cảm thấy chưa hiểu điều mà vị cao tăng đang nói, ông liền bảo một người trong số họ đi gánh một thùng nước đầy từ trong khe núi ra.

Người này dùng hết sức múc một thùng thật đầy, lắc lư chao đảo, chưa đi được mấy bước thì ngã nhào ra đất, nước trong thùng toàn bộ đổ hết, còn gãy luôn cả đòn gánh.

Nhìn thấy cảnh này, vị cao tăng nói: “Nước đổ rồi không phải sẽ phải gánh lại từ đầu sao? Đòn gánh gãy rồi có phải đoạn đường về sẽ khó khăn hơn không? Chẳng phải nước gánh được còn ít hơn lúc nãy gánh trong thùng không đầy nước đó sao?”

“Vậy xin hỏi cao tăng, cụ thể là chúng ta phải lấy vào thùng bao nhiêu nước, làm sao có thể ước lượng được ạ?” – Mọi người thắc mắc.

Cao tăng cười và đáp: “Các thí chủ xin xem qua cái thùng gánh này.”

Mọi người xem xong thấy trong thùng có vẽ một đường viền.

Cao tăng lại nói:

“Đường viền này là giới hạn, lúc lấy nước không được lấy cao hơn đường viền này, nếu như vượt quá đường viền tức là đã vượt quá năng lực và nhu cầu của bản thân.

Lần thứ nhất lấy nước cần phải nhìn đường viền để lấy, lâu dần không cần nhìn nó để lấy nữa, dựa vào cảm giác của bản thân đã có thể biết nên lấy bao nhiêu nước là đủ.

Nhưng có đường viền này, nó sẽ nhắc nhở chúng ta làm bất cứ một việc gì cũng phải lượng sức mà làm, toàn tâm toàn ý hoàn thành nó.”

“Vậy đường viền nên vạch ở mức nào ạ?” – Mọi người lại thắc mắc hỏi.

Cao tăng đáp:

“Mới bắt đầu, mục tiêu đặt ra có thể thấp một chút, bởi vì mục tiêu thấp dễ dàng thực hiện, hơn nữa sự dũng cảm của chúng ta cũng không sợ vì thất bại mà chịu quá nhiều tổn thương và đả kích, như vậy sẽ hình thành nên hứng thú và nhiệt huyết càng lớn. Thời gian càng dài, từng bước từng bước một tự nhiên sẽ gánh được nhiều hơn và những bước đi cũng vững chắc hơn.”

Đến đây ai nấy đều tỉnh ngộ, hiểu được hàm ý sâu xa mà vị cao tăng muốn nhắc nhở mọi người.

*Tinh hoa Kim Cổ Linh Chi Khang Nam tuyển tập.

View Comments (0)

Leave a Reply

Your email address will not be published.

SINCE 2011 © LINHCHIKHANGNAM.COM - ALL RIGHTS RESERVED | ABOUT | SHOP | CONTACT